SMARTHOME TẠI VIỆT NAM: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển đáng kinh ngạc trong khu vực và có khả năng bắt kịp xu hướng công nghệ hiện đại trên thế giới một cách nhanh chóng. Mô hình nhà thông minh – Smarthome đã có mặt tại Việt Nam từ nhiều năm trước nhưng chưa được ứng dụng rộng rãi. Bên cạnh những ưu điểm vượt trội như mang lại trải nghiệm sống tiện nghi, thoải mái cho người dùng, nhà thông minh cũng đem đến nhiều thách thức. Vậy Smarthome có thực sự là một không gian sống lý tưởng? Hãy cùng Kirei Home tìm hiểu trong bài viết này nhé!
Tiềm năng tại Việt Nam
Theo thống kê, Việt Nam đứng top 10 thế giới về lượng người dùng điện thoại thông minh với hơn 64% dân số sở hữu Smartphone, khả năng tiếp cận các dịch vụ công nghệ thông tin đứng thứ 3/139 nước. Con số này có thể được coi là lợi thế giúp người dân dễ dàng tiếp cận với ứng dụng công nghệ.
Ông Nguyễn Tristan Chinh – Giám đốc Điều hành Kinh doanh Toàn quốc, Công ty LIXIL Việt Nam – thương hiệu American Standard bày tỏ quan điểm: Việt Nam có tiềm năng không nhỏ trong việc đầu tư ứng dụng không gian sống thông minh. Tuy nhiên, cần nghiên cứu các giải pháp mang tính thực tiễn, khả thi cao; phù hợp với khả năng tài chính, kỹ thuật, văn hóa, luật pháp, văn hóa của người Việt Nam.
Chưa có quy chuẩn chính thức về không gian sống thông minh
Tại Việt Nam, khái niệm không gian sống thông minh xuất hiện từ khá lâu nhưng mới gây được chú ý trong khoảng 5 năm trở lại đây, đặc biệt nổi bật ở mô hình nhà thông minh (Smart Home) và đô thị thông minh.
Thị trường nhà ở thông minh cũng đạt được con số nhất định. Theo thống kê của Statista, công ty của Đức chuyên nghiên cứu thị trường và dữ liệu người tiêu dùng cho thấy, thị trường nhà thông minh Việt Nam đạt doanh thu khoảng 83 triệu USD vào năm 2019 và có thể đạt đến 437 triệu USD vào năm 2023. Đó là một tín hiệu đáng mừng khi Việt Nam đã chú trọng đầu tư không gian sống tốt nhất cho người dân.
Mặc dù đã có định hướng xây dựng các đô thị thông minh, thành phố thông minh nhưng hiện vẫn chưa có văn bản chính thức quy định tiêu chuẩn công nghệ thông tin cho đô thị cũng như tiêu chí về không gian sống thông minh trong xây dựng và kiến trúc. Do đó, việc triển khai phát triển không gian sống chưa thực sự triệt để và bao quát.
Bất cập về cơ sở vật chất, hạ tầng ảnh hưởng đến kết nối không gian sống thông minh
Việt Nam là nước có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng mức độ phát triển tập trung còn ở quy mô nhỏ và phạm vi phân tán. Việc tập trung quá đông dân cư, khu đô thị tại các thành phố lớn dẫn tới quá tải về cơ sở vật chất, hạ tầng và ảnh hưởng tới tính bền vững của đô thị. Trong khi, việc đưa lối sống tiện nghi, thông minh, hiện đại vẫn phải phụ thuộc nhiều vào cơ sở vật chất.
Ngoài ra, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu đang bị phân mảnh từ nhiều nguồn, ngành khác nhau và ở từng địa phương. Thông tin chưa được chuẩn hóa, vẫn còn tình trạng dữ liệu thiếu tính cập nhật và độ tin cậy, thậm chí thiếu dữ liệu. Vì vậy, việc đánh giá để áp dụng các tính năng thông minh vào kiến trúc, nội thất cũng như các lĩnh vực còn nhiều bất cập.
Để phát triển không gian sống thông minh một cách đồng nhất, hơn hết cần sự đầu tư về cơ sở vật chất và hệ thống dữ liệu được chuẩn hóa.
Vấn đề trong chính ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ
Những ứng dụng trong công nghệ như tính cập nhật, thay đổi về công nghệ, tính an toàn và bảo mật thông tin khi bị xâm nhập, can thiệp mất quyền kiểm soát cũng là vấn đề đáng quan ngại.
Theo Trung tâm Giải pháp Doanh nghiệp Internet (IBSC) của Cisco, năm 2020, có khoảng 50 tỉ thiết bị kết nối IoT (Internet vạn vật), hình thành một mạng lưới các thiết bị có thể kết nối với nhau, chỉ cần một chiếc smartphone dễ dàng điều khiển được tất cả các vật dụng trong nhà cho đến công cộng. Nhưng vấn đề mất an toàn, bảo mật sẽ tỉ lệ thuận với số IoT được sử dụng.
Mặc dù là trợ thủ số đắc lực cho con người trong không gian sống thông minh nhưng mặt trái của nó sẽ là khe cửa hẹp để hacker xâm nhập hệ thống mạng hay đánh cắp thông tin nhạy cảm của người dùng. Theo hãng an ninh mạng Fortinet của Mỹ nhận định, các thiết bị IoT vốn không được thiết kế bảo mật cao.
Trong phần lớn các trường hợp, không có cách nào để cài đặt bảo mật trên chính thiết bị đó. Vì vậy, sử dụng công nghệ trong chính ngôi nhà của mình cũng là một rủi ro mà người dùng phải sống chung và tìm cách khắc phục. Đây cũng là một trong những nhược điểm mà các ứng dụng thông minh đang gặp phải.
Đâu đó vẫn còn sự dè chừng
Thực tế chỉ ra, mặc dù nhà thông minh, thiết bị thông minh mang đến rất nhiều tiện nghi nhưng để bỏ ra một khoản chi phí lớn rõ ràng là vấn đề. Không chỉ chi phí lắp đặt thiết bị mà còn nhiều khoản phát sinh như phí kiểm tra, bảo trì, sửa chữa, thậm chí thay mới. Các vật dụng thông thường có thể tìm mua và lắp đặt dễ dàng, nhưng đối với thiết bị thông minh thì đây là một vấn đề vẫn còn hết sức nan giải.
Định hướng không gian thông minh có thực sự bền vững?
Cốt lõi của không gian sống thông minh là an ninh – an toàn thông minh, vận hành thông minh, căn hộ thông minh và cộng đồng thông minh, lấy con người làm chủ thể. Vì vậy, để xây dựng được không gian sống thoải mái, tiện nghi nhất, con người cần thay đổi và thích ứng linh hoạt, làm chủ được công nghệ, trở thành nền tảng vững chắc.
Bài viết được tham khảo trên trang: Kienviet.net. Hy vọng bài viết đã đem lại những thông tin hữu ích để các bạn cân nhắc và chuẩn bị kỹ hơn trước khi đầu tư vào mô hình sống này.
Nếu bạn đang tìm kiếm cho mình một đơn vị kiến trúc đáng tin cậy và giàu kinh nghiệm, hãy để Kirei Home giúp bạn biến ý tưởng thành thực tế. Kirei Home luôn nỗ lực mỗi ngày để nâng cao trình độ và đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Liên hệ với chúng tôi.
Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm các dự án khác chúng tôi tại BBArchitects.